Tác giả: LTH - 13/03/2020
A A
Áp dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; thay đổi nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (nông sản), nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã và đang được tỉnh quan tâm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hàng năm toàn tỉnh cung cấp cho thị trường khoảng 415,4 nghìn tấn thóc, gạo; gần 170 nghìn tấn quả nhãn, vải, chuối, cây có múi; 296 nghìn tấn rau, củ, quả; trên 8 nghìn tấn nghệ củ, gần 70 nghìn tấn thịt; 5,3 nghìn tấn sữa; 295 triệu quả trứng gia cầm; gần 41,5 nghìn tấn cá; có 19 sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền… Xuất phát từ những quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời tạo cơ hội, nâng cao năng lực sản xuất cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân sản xuất thực phẩm có nguồn gốc nông nghiệp trên địa bàn, năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 (viết tắt là đề án chuỗi). Triển khai thực hiện đề án chuỗi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương mở rộng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; hỗ trợ hơn 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc gắn trên các sản phẩm như: Nhãn, vải, chuối, sản phẩm từ thịt, cá… Các thông tin từ đầu vào và quá trình sản xuất đầu ra của sản phẩm theo chuỗi được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng quét mã phản hồi nhanh trên điện thoại thông minh trong vòng 2 giây là biết các thông tin nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện Kế hoạch số 81/KH – UBND ngày 21.5.2019 của UBND tỉnh về xây dựng hệ thống thông tin điện tử hy.chek.net.vn, truy xuất nguồn gốc thí điểm một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc nông sản, đến cuối năm 2019 đã có gần 30 đơn vị, trên 150 sản phẩm tham gia với gần 5,4 nghìn lượt người truy cập, hơn 2,7 nghìn lượt thực phẩm được xác thực. 

Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống từ 10% – 30%. Hệ thống điện tử hy.chek.net.vn đáp ứng được ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, qua đó từng bước nâng cao năng lực cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông nghiệp khi lưu thông trên thị trường, cơ quan chức năng và người tiêu dùng không nắm bắt được nên truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn. Việc tiêu thụ nông sản còn mang tính tự phát, không ổn định, nhãn mác bao bì chưa chuyên nghiệp và chưa tuân thủ theo quy định. Việc gắn tem nhãn hàng hóa mới dừng lại ở mức cung cấp thông tin đơn giản, chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chủ thể doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được cấp quyền quản trị Module, thiếu tính chủ động để kịp thay đổi, bổ sung theo thực tế. Mặt khác, sản phẩm, số lượng được gắn tem còn ít so với sản lượng, chủng loại nông sản thực tế và nhu cầu…  

Để làm tốt việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thời gian tới, các ngành, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thực hiện có hiệu quả đề án Đề án Duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, cần đầy mạnh tuyên truyền, phổ biến về hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản. Duy trì, mở rộng, nâng cấp tính năng hệ thống điện tử như: Xây dựng Module luồng di chuyển sản phẩm; đánh giá các tiêu chí của sản phẩm OCOP trên hệ thống phần mềm; quản lý sản phẩm, bán hàng bằng máy quét mã vạch. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về kiến thức chuyên môn quy trình quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ thông tin, kỹ năng tiếp cận thị trường, quảng bá, thiết kế nhãn mác. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp gắn tem truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương kiểm tra tại các cơ sở về việc quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản; thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…

 

Các tin khác