Tác giả: LTH - 15/03/2022
A A
Văn Giang: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), huyện Văn Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn. Hằng năm, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách hỗ trợ của các cấp đối với khu vực KTTT, Luật HTX bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển KTTT. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới HTX từ 15 ngày xuống còn 3 ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, phát triển KTTT.

HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) được thành lập từ năm 2017 với 24 thành viên. Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm chất lượng sản phẩm nên HTX đã khẳng định vị trí trên thị trường, liên kết được với các bếp ăn tập thể để tiêu thụ nông sản. Chị Lý Thị Hà, Giám đốc HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang cho biết: Khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn, đất để mở rộng sản xuất. Nhờ sự quan tâm, định hướng của chính quyền địa phương, HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, năm 2021, HTX được hỗ trợ kho lạnh bảo quản nông sản giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh việc tiêu thụ nông sản cho thành viên, HTX còn hỗ trợ người dân trong khu vực tiêu thụ nông sản với trên 60 tấn ổi, trên 20 tấn rau, củ/tháng. Ngoài mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động trong xã.

Nhờ đổi mới phương thức hoạt động, HTX hoa, cây cảnh Xuân Quan, xã Xuân Quan đã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo thành khu vực trung tâm liên kết những hộ trồng hoa trong xã, chuyên cung cấp các loại hoa tươi, hoa thảm, cây công trình cho các địa phương khu vực phía Bắc. HTX góp phần xây dựng, hình thành làng nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan và vùng chuyên trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện. Doanh thu của HTX đạt từ 15-20 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 96 triệu đồng/người/năm.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, khu vực KTTT trên địa bàn huyện Văn Giang đã có những chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 21 HTX, 15 tổ hợp tác. Trung bình có 23 thành viên/HTX, tăng 5,1% so với năm 2001; doanh thu hàng năm của HTX đạt trung bình 2,1 tỷ đồng/HTX, tăng 1,6 tỷ đồng/HTX so với năm 2001; thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 66 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần so với năm 2001.

Để KTTT thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với hoạt động KTTT; tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với KTTT phù hợp với yêu cầu thực tế. Khuyến khích thành lập và phát triển các mô hình KTTT, HTX kiểu mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Khuyến khích các HTX đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, áp dụng những tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về HTX cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất cho HTX thuê để mở rộng sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo quản, chế biến các loại nông sản...

 

Các tin khác